top of page

TS. Khưu Thùy Dương

Nhóm 1: Khoa học Cơ bản & Khoa học Ứng dụng

TS. Khưu Thùy Dương hiện đang giữ chức vụ Giám đốc Kỹ thuật của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Vietnam). TS. Khưu Thùy Dương đã nhận bằng Tiến sĩ về Tài nguyên bền vững từ University College London (UCL). Trước đó, chị theo học Thạc sĩ Khoa học về Công nghệ môi trường và bền vững tại Đại học Manchester (Vương quốc Anh) và Cử nhân Tài năng về Kỹ thuật xây dựng dân dụng tại Đại học Dundee (Vương quốc Anh). Trong quá trình nghiên cứu, TS. Khưu Thùy Dương hướng đến các lĩnh vực như: Quản trị tài nguyên thiên nhiên; Phát triển bền vững; Chính sách Quản lý Môi trường; Phương pháp nghiên cứu xã hội.


Sau 10 năm sống tại Anh, TS. Khưu Thùy Dương quyết định trở về Việt Nam để làm việc và cống hiến. Nhận thấy Việt Nam là một trong 10 quốc gia sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu, TS. Khưu Thùy Dương đã và đang tích cực hướng tới xây dựng những cộng đồng xanh ở khắp các vùng ven biển: bắt đầu từ việc chuyển đổi dần dần từ những phương pháp đánh bắt hủy diệt (dùng thuốc nổ, xyanua, v.v.) sang các phương pháp đánh bắt bền vững hơn; thực hiện đánh bắt cá theo mùa và theo khu vực; tạo ra mô hình sinh kế thay thế nghề đánh bắt cá cho người dân ven biển như: hình thức homestay; hướng dẫn khách đi du lịch bằng thuyền thúng xem san hô. Bên cạnh đó, TS. Khưu Thùy Dương cũng quan tâm đến quá trình hình thành nền tảng kiến thức về tài nguyên môi trường và các giải pháp hướng tới tích hợp các nguồn kiến thức chuyên môn và địa phương vào quá trình hoạch định chính sách.


Đến với Trường học Phát triển Việt Nam (VSOD) 2022, TS. Khưu Thùy Dương sẽ chia sẻ về chủ đề “Bảo tồn Đa dạng Sinh học (ĐDSH) hướng tới phát triển bền vững: Góc nhìn từ công tác bảo tồn rùa biển”. Việt Nam là một trong 16 nước có ĐDSH cao nhất thế giới. Tuy nhiên, bốn thập kỷ phát triển kinh tế xã hội mạnh mẽ sau Đổi mới đã dẫn đến sự suy thoái ĐDSH, gây ra nhiều hậu quả vô cùng nghiêm trọng (mất rừng, lũ lụt, ô nhiễm nước và không khí, v.v.). Do đó, để hướng tới đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), Việt Nam cần hướng tới hiện thực hóa các mô hình phát triển kinh tế bền vững dựa trên nền tảng bảo tồn ĐDSH thông qua sự hợp tác tích cực giữa nhà nước, các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng địa phương. Công tác bảo tồn rùa biển, loài được xem là “Sứ giả của Đại Dương”, tại Vườn quốc gia Côn Đảo đã chứng minh rằng bảo tồn hiệu quả sẽ mang lại nhiều lợi ích về kinh tế. Tuy nhiên, hiện công tác bảo vệ rùa biển cũng như những nỗ lực bảo tồn ĐDSH tại Việt Nam chưa được nhiều người biết đến và chỉ giới hạn ở những mô hình thử nghiệm. Thông qua bài giảng này, TS. Khưu Thùy Dương muốn mang thông điệp đến thế hệ trẻ về những gì họ có thể đóng góp và chung tay bảo vệ rùa biển, cũng như việc đóng góp cho Việt Nam trong việc hiện thực hóa các mô hình bảo tồn-phát triển, hướng tới đạt được các cam kết quốc tế về bảo tồn ĐDSH và phát triển bền vững.

TS. Khưu Thùy Dương
bottom of page