KTS. Lê Quang
Nhóm 2: Kỹ thuật & Đổi mới sáng tạo
Tốt nghiệp năm 2011, Lê Quang có bằng Cử nhân Kiến trúc trước khi theo học thạc sĩ tại Học viện kỹ thuật Liên Bang Thụy Sĩ ETH Zurich & MArch II của Trường thiết kế Đại học Harvard GSD.
Từ năm 2015, anh thành lập lequang-architects để cải thiện thực hành của mình và thực hiện Berlin Walls - Dự án nhà ở cho người tị nạn ở Berlin - là một trong những dự án sáng tạo được nhắc đến trong Triển lãm Kiến trúc Thế Giới 2016 cho hạng mục Thử nghiệm. Từ năm 2018, anh tham gia phát triển một số dự án tại Việt Nam ở các tỷ lệ khác nhau, từ đồ án nhỏ cho tới đồ án thiết kế tổng mặt bằng. Anh dành giải thưởng Architecture Master Prize 2021 với thiết kế một ngôi nhà ở Hội An và Architecture Masterprize 2022 cho thiết kế ý tưởng bảo tàng Bình Định. Song song với công việc chuyên môn, anh cộng tác với một số trường ĐH Kiến trúc ở Châu Âu trong việc giảng dạy, hướng dẫn đồ án tốt nghiệp cho sinh viên hệ Master.
Đến với Trường học Phát triển Việt Nam 2022, KTS Lê Quang sẽ đem đến bài giảng về chủ đề ‘Mobility (re)shaping Cities’ (Phương tiện (tái) định hình thành phố):
Ở quy mô lớn, kiểu hình của một thành phố được quyết định bởi cách thức mà con người và hàng hóa của nền kinh tế di chuyển. Từ nửa sau của thế kỉ 19, cùng với sự phát triển vượt bậc của nhân loại trong lĩnh vực giao thông đô thị và sự xuất hiện của xe hơi, diện mạo của tất cả các đô thị đều đã thay đổi. Hay nói cách khác, lĩnh vực vận tải không dùng tới ngựa là yếu tố chủ đạo định hình nên các đô thị mà con người đang sinh sống.
Trong thế kỉ 21, đối mặt với khủng hoảng năng lượng, Thế giới đã có những chuyển mình nhanh chóng, báo hiệu một kỉ nguyên mới về phương thức vận chuyển người và hàng hoá. Các phương tiện và cách thức di chuyển đang được sáng tạo ra; và một lần nữa, chúng sẽ tái định hình diện mạo của thành phố trong tương lai. Ở khía cạnh quy hoạch và thiết kế tổng mặt bằng, chúng ta theo dõi các chuyển động này như thế nào?
